HỆ THỐNG VĂN BẢN    SINH HOẠT CHI BỘ     RSS     SITEMAP   

  ĐƯỜNG LỐI - CHÍNH SÁCH
  THỰC TIỄN - KINH NGHIỆM
  TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN
  TRẢ LỜI Ý KIẾN ĐẢNG VIÊN
  HỎI ĐÁP CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT
VIDEO MỚI xem thêm
 TRANG CHỦ   >  THỰC TIỄN - KINH NGHIỆM
Đăng vào Thứ hai, ngày 12/06/2017
FaceBook Google Twitter | In bài viết
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC XÃ
Trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta khẳng định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, trong đó tư tưởng của Người về phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã đã trở thành đường hướng cho sự phát triển kinh tế hợp tác xã ở nước ta trong suốt những năm qua.

Ngay từ khi còn đang bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã quan tâm đến hình thức kinh tế hợp tác, hợp tác xã, năm 1927, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành một chương viết về hợp tác xã với nội dung khá toàn diện, từ lịch sử, mục đích, cơ sở lý luận đến các loại hình hợp tác xã. Trên cơ sở nắm vững nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, kinh nghiệm hợp tác xã thế giới và thực tiễn sinh động của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định bản chất của hợp tác xã là “hợp sức, hợp vốn”, là liên minh tạo nên sức mạnh để phát triển, nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên và nhân dân.

 
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với bà con nông dân, xã viên  
Hợp tác xã Cầu Thành, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm 1958

 
Ngay sau khi nước ta mới giành được độc lập (năm 1945), trong bộn bề công việc của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế hợp tác xã, Ngày 11/4/1946, Bác viết thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam kêu gọi tham gia hợp tác xã nông nghiệp, Người viết: “Hỡi đồng bào, điền chủ nông gia, anh em ta ai chẳng mong được đầy đủ, giàu có, ai chẳng mong ước cho nước thịnh dân cường. Vậy chúng ta hãy mau mau chung vốn góp sức, lập nên hợp tác xã nông nghiệp ở khắp nơi từ làng mạc cho đến tỉnh thành đâu đâu cũng phải có hợp tác xã”. Sau lời kêu gọi của Người, hàng loạt cơ sở kinh tế hợp tác, lúc đó chủ yếu là tổ đổi công, tổ vần công được hình thành và phát triển, mở ra một thời kỳ mới phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, góp phần giải phóng nông dân thoát khỏi sự ràng buộc của các phương thức sản xuất phong kiến, đưa nông dân lên vị trí người làm chủ.  

Tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác xã còn là vấn đề cách mạng trong lĩnh vực tổ chức sản xuất của các tầng lớp nhân dân lao động trong xã hội, là phương cách xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Theo Người “mỗi dân tộc có một cách riêng đi lên chủ nghĩa xã hội”. Đối với Việt Nam, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội “bắt đầu từ nông dân”, lấy nông nghiệp làm khâu đột phá. Người chỉ rõ: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần có hợp tác xã” 1.

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1995, t. 4, tr. 124

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác luôn dành tình cảm, sự quan tâm, động viên đối với sự phát triển kinh tế hợp tác xã của nước nhà. Ngày 11/4/1964, Bác gửi thư cho Đại hội hợp tác xã và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du, khen ngợi những hợp tác xã điển hình tiên tiến. Đến những năm tháng cuối cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành những tình cảm sâu sắc cho phong trào hợp tác xã, ngày 01/5/1969, Bác viết Lời giới thiệu Điều lệ tóm tắt của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, trong đó, Người căn dặn: “Điều lệ này của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp rất quan trọng. Nó nhằm bảo đảm thật sự quyền làm chủ tập thể của các xã viên... Vì vậy, xã viên và cán bộ phải bàn bạc dân chủ để hiểu cho rõ và làm cho đúng...”.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, vinh dự là An toàn khu của cách mạng, nơi đã chở che, bảo vệ Bác Hồ và Trung ương Đảng, Chính phủ sống và làm việc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tự hào là nơi thành lập hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của cả nước (năm 1948) và cũng là nơi Bác Hồ dành nhiều tình cảm, sự quan tâm sâu sắc đối với nhân dân các dân tộc Thái Nguyên nói chung và đối với xã viên, người lao động trong các hợp tác xã nói riêng. Kể từ sau khi chia tay với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên và đồng bào vùng Việt Bắc để trở về Hà Nội (năm 1954) cho đến khi cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 7 lần trở lại thăm hỏi, động viên nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Năm 1958, Bác về thăm hợp tác xã nông nghiệp xóm Cầu Thành, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, thăm một số gia đình xã viên hợp tác xã và nói chuyện với cán bộ, đồng bào, Người nêu rõ lợi ích của tổ đổi công, hợp tác xã và khuyên mọi người nên hăng hái tham gia: “Hợp tác xã, tổ đổi công chẳng những có lợi ngay cho mình mà còn lợi về sau cho con cháu mình. Đồng bào phải trông xa, thấy rộng, chớ thấy khó khăn mà ngại, chớ thấy lợi ích trước mắt mà quên lợi ích lâu dài” và căn dặn: “Muốn xây dựng tổ đổi công, hợp tác xã được tốt phải đoàn kết, phải làm cho mọi người tự nguyện tham gia, phải bàn bạc dân chủ và phải tính toán cho công bằng, hợp lý”.  

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những tư tưởng của Người về phát triển kinh tế hợp tác xã đến nay vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa thực tiễn và lý luận sâu sắc; những nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã được Bác nêu ra về tính tự nguyện, bình đẳng, dân chủ, độc lập, tự chủ, vì cộng đồng đã, đang và sẽ luôn luôn phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và thực tiễn phát triển hợp tác xã ở nước ta.  

Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế hợp tác xã, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, trong 70 năm qua, phong trào hợp tác xã ở nước ta đã được hình thành và phát triển qua các thời kỳ với những bước thăng trầm của lịch sử, các hợp tác xã đã vượt qua khó khăn, thử thách, có những đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đến nay, cả nước có trên 20.000 hợp tác xã, thu hút khoảng 13 triệu hộ và hơn 30 triệu người tham gia trực tiếp và gián tiếp, trở thành khu vực kinh tế - xã hội rộng lớn, có tác động quan trọng đối với sự phát triển của các khu vực, địa phương, ngành, lĩnh vực, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Các hợp tác xã hoạt động hiệu quả đã góp phần tích cực vào tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, ổn định đời sống; tuyên truyền, giáo dục ý thức cộng đồng, đề cao các giá trị văn hóa, đạo đức, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng làm giàu, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng ở cơ sở và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh./.

Ngô Xuân Tình
(Ủy viên Ban Chấp hành Chi bộ, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên)
XEM THÊM
MỐT SỐ KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU TRONG CÔNG TÁC THAM MƯU, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 05-CT/TW, NGÀY 15/5/2016 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ “ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” TẠI ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH THÁI NGUYÊN (12/06/2017)
THÀNH TỰU VÀ NHỮNG ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRONG LĨNH VỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ (12/06/2017)
NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH THÁI NGUYÊN TÍCH CỰC CHUẨN BỊ CHO KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA VÀ XÉT TUYỂN ĐẠI HỌC NĂM 2017 (12/06/2017)
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH CHO CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ CÁC THẾ HỆ NGƯỜI VIỆT NAM TẠI NHÀ TƯỞNG NIỆM CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ATK ĐỊNH HÓA, THÁI NGUYÊN (12/06/2017)
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội quần chúng góp phần vào phát triển Kinh tế - Xã hội (20/01/2017)
Ngành Công thương Thái Nguyên với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" năm 2016 (20/01/2017)
Truy cập hôm nay 446
Tổng lượt truy cập 2362896
Đang truy cập 5

Lên đầu trang
Dành cho quản trị