HỆ THỐNG VĂN BẢN    SINH HOẠT CHI BỘ     RSS     SITEMAP   

  ĐƯỜNG LỐI - CHÍNH SÁCH
  THỰC TIỄN - KINH NGHIỆM
  TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN
  TRẢ LỜI Ý KIẾN ĐẢNG VIÊN
  HỎI ĐÁP CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT
VIDEO MỚI xem thêm
 TRANG CHỦ   >  THỰC TIỄN - KINH NGHIỆM
Đăng vào Thứ hai, ngày 12/06/2017
FaceBook Google Twitter | In bài viết
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH CHO CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ CÁC THẾ HỆ NGƯỜI VIỆT NAM TẠI NHÀ TƯỞNG NIỆM CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ATK ĐỊNH HÓA, THÁI NGUYÊN
Cuối năm 1940 khi còn ở Vân Nam Trung Quốc lãnh đạo phong trào cách mạng. Tại đây với tầm nhìn chiến lược, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta...
Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động phong trào đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”. Như vậy, với tầm nhìn chiến lược của Nguyễn Ái Quốc, Thái Nguyên có vị trí đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam. Do đó, “... khi Bác về Pác Bó đã có ý định phát triển cơ sở xuống Thái Nguyên, vì Thái Nguyên là một địa bàn quan trọng “tiến có thể đánh, lui có thể giữ” và nhân dân ở đây có truyền thống cách mạng”.
 


Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
 cùng đoàn đại biểu dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh

 
Sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, thực dân Pháp đã lộ rõ âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Với nhãn quan sáng suốt và tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức được ngày trở lại Việt Bắc có thể tới gần, cần phải củng cố Căn cứ địa Việt Bắc phát triển vị trí chiến lược lâu dài của An toàn khu. Vì thế, Người đã trao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Giản, Trần Đăng Ninh, Hoàng Quốc Việt, Tôn Đức Thắng... cùng một số cán bộ ở lại một thời gian để củng cố khu căn cứ. Như vậy, một lần nữa, Thái Nguyên là một trong những địa bàn chiến lược được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi đặt đại bản doanh để lãnh đạo quân, dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong đó huyện Định Hóa là trung tâm của thủ đô kháng chiến, tại đây nhiều quyết sách của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh có liên quan đến vận mệnh của dân tộc không chỉ về mặt quân sự mà còn cả về lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Theo thống kê, hiện nay huyện Định Hóa có 128 địa điểm di tích trong đó 21 di tích đã được nhà nước xếp hạng cấp quốc gia, quần thể di tích ATK Định hóa, Thái Nguyên được xác định là một trong những quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 548/QĐ-TTCP ngày 10/5/2012 xếp hạng Di tích lịch sử - An toàn khu (ATK) Định Hóa, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt.

Để xứng tầm với giá trị lịch sử, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã xây tặng thủ đô kháng chiến năm xưa Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, công trình được khởi công xây dựng ngày 15/11/2004 và khánh thành ngày 19/5/2005, đúng vào dịp kỷ niệm 115 ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2005). Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng ở vị trí đắc địa “Tả thanh long, hữu bạch hổ”, với lối kiến trúc Đình, Đền truyền thống. Phía trước Nhà tưởng niệm nhìn thẳng xuống cánh đồng Nà Lọm, Tỉn Keo và dòng suối Khuôn Tát… công trình quay về hướng Đông Bắc với ý nghĩa phát tích cho muôn người, muôn đời. Sau lưng tựa vào núi Hồng như bức tường thành vững chắc. Công trình được xây dựng trên tổng diện tích 16.000m2 bao gồm các hạng mục: Tứ trụ, Tam quan, Nhà dâng hương, các công trình phụ cận, hệ thống khuôn viên cây xanh... Từ tứ trụ đến Nhà dâng hương với 194 bậc lên xuống, chia làm 2 phần: Phần thứ nhất từ Tứ trụ lên đến Tam quan có 115 bậc, ghi nhớ công trình xây dựng vào dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Bác; phần thứ hai từ Tam quan lên đến Nhà dâng hương có 79 bậc, gắn với 79 mùa xuân của Người. Hai bên bậc lên xuống là hàng cây tùng bách với 32 cây tượng trưng cho đội tiêu binh bảo vệ cho Người, song song với nó là 18 cây chò chỉ tượng trưng cho 18 đời vua Hùng dựng nước và giữ nước do tỉnh Phú Thọ dâng trồng, các hạng mục khác đều gắn với các sự kiện, cuộc đời của Bác.

Tại gian chính điện Nhà tưởng niệm là bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng, dát vàng, nặng 4000kg, cao 1,71m được đặt ở vị trí trang trọng giữa điện thờ; bệ thờ được làm bằng gỗ gụ dài 5,09m, rộng 4,07m, cao 0,89m. Toàn bộ lư hương, chân nến, bình hoa, hạc chầu đều được làm bằng đồng, được hô thần nhập tượng do Hòa thượng Thích Thanh Tứ làm chủ lễ. Phía trên là hình búa liềm và ngôi sao vàng đắp nổi, bên cạnh là câu đối của giáo sư Vũ Khiêu, bức hoành phi và những lời di huấn của Người. Các câu đối, câu đề, hoành phi đều làm bằng gỗ dổi, sơn son thếp vàng thể hiện sự kính cẩn tôn nghiêm. Tại đây nhiều bức ảnh, tư liệu về Bác được trưng bày nhằm giới thiệu về quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng, Chính phủ thời kỳ trở lại Chiến khu Việt Bắc đặt đại bản doanh tại ATK Việt Bắc để lãnh đạo cuộc kháng chiến.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ATK Định Hóa mang tầm vóc quốc gia, thể hiện ý nguyện của đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài là hồn thiêng sông núi, là tượng đài của khối đại đoàn kết dân tộc, là nơi hành hương về nguồn của các thế hệ người dân Việt Nam, nơi giáo dục truyền thống cách mạng, thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và là một điểm đến của du khách quốc tế.
Từ khi được khánh thành đến nay Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón hàng chục triệu lượt khách gồm các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách đại diện cho các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước. Ngoài các hoạt động dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà tưởng niệm còn tổ chức các hoạt động báo công dâng Bác, sơ, tổng kết hàng năm; sơ, tổng kết cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên, lễ tôn vinh khen thưởng, trao tặng huy hiệu Đảng...

Để phát huy và nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên và các thế hệ người Việt Nam nói chung tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa nói riêng cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, việc tuyên truyền giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải căn cứ trên cơ sở nhận thức đầy đủ về giá trị lịch sử Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, nơi đây đã được Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Thủ đô kháng chiến trong thời kỳ chống thực dân Pháp (1946-1954) và có nhiều quyết sách liên quan đến vận mệnh dân tộc trong việc bảo vệ và xây dựng nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, để làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Hai là, tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng như báo công dâng Bác, sơ, tổng kết, khen thưởng, kết nạp đội viên, đoàn viên, đảng viên... phải có nội dung cụ thể, đảm bảo tính trang nghiêm, là nơi linh thiêng, thờ tự Chủ tịch Hồ Chí Minh do vậy quy trình dâng hương, báo công, khen thưởng, kết nạp đảng viên, đoàn viên phải được thực hiện một cách nghiêm túc, có nội quy rõ ràng từ trang phục của du khách, đón tiếp, giới thiệu về di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Thái Nguyên, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, quy định thỉnh chuông, thỉnh khánh, dâng lễ, dâng hoa, dâng hương, đọc văn khấn, cử nhạc lãnh tụ ca, ghi sổ lưu niệm...
Ba là, không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiện của đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các điểm di tích, đây là những người trực tiếp truyền những giá trị tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đến với cán bộ đảng viên và du khách nói chung. Để làm được điều này đòi hỏi người cán bộ tuyên truyền cần trau dồi kiến thức sâu rộng, sự am hiểu về lĩnh vực lịch sử văn hóa mà trước hết là tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời phải rèn luyện kỹ năng sư phạm, khả năng truyền cảm, khả năng ứng xử tinh tế, linh hoạt như vậy mới truyền tải được nội dung phong phú của những giá trị, hiện vật khu di tích.
Bốn là, phải đảm bảo cảnh quan, môi trường hài hòa, sạch đẹp; gắn với việc thường xuyên tu sửa, sắp xếp lại, xây mới các hạng mục công trình còn thiếu; quy hoạch, sắp xếp lại đồi cây lưu niệm, thường xuyên cắt tỉa chăm sóc vườn cây lưu niệm, cây cảnh, vườn hoa, lắp đặt lại hệ thống điện chiếu sáng, trang bị các dụng cụ còn thiếu, làm tốt công tác vệ sinh môi trường để đảm bảo cho Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xanh, sạch, đẹp, trang nghiêm.  

Năm là, cần phối hợp chặt chẽ giữa Ban quản lý, các cơ quan, đơn vị kể cả các công ty lữ hành để tăng cường nắm bắt nhu cầu, nội dung tuyên truyền giáo dục và các thông tin cần thiết, trên cơ sở đó Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan, đơn vị cùng nhau phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, các nội dung, chương trình học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh vừa đảm bảo tính trang nghiêm, không ảnh hưởng đến việc phục vụ du khách.
Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến’, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” thì việc không ngừng nâng cao chất lượng tuyên truyền giáo dục tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên và các thế hệ người Việt Nam tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ATK Định Hóa là việc làm thiết thực./.

Nguyễn Văn Nương
(Phó Trưởng Ban quản lý Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa, Thái Nguyên)
XEM THÊM
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC XÃ (12/06/2017)
MỐT SỐ KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU TRONG CÔNG TÁC THAM MƯU, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 05-CT/TW, NGÀY 15/5/2016 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ “ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” TẠI ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH THÁI NGUYÊN (12/06/2017)
THÀNH TỰU VÀ NHỮNG ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRONG LĨNH VỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ (12/06/2017)
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội quần chúng góp phần vào phát triển Kinh tế - Xã hội (20/01/2017)
Ngành Công thương Thái Nguyên với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" năm 2016 (20/01/2017)
Công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia của ngành Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên giai đoạn 2010-2015 (19/01/2017)
Truy cập hôm nay 455
Tổng lượt truy cập 2362905
Đang truy cập 9

Lên đầu trang
Dành cho quản trị