Đăng vào Thứ hai, ngày 28/05/2018
Ngành Y tế Thái Nguyên đẩy mạnh phòng chống tác hại thuốc lá
Tại Việt Nam, số liệu điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành cho thấy, những năm gần đây, trung bình số tiền người Việt Nam chi mua thuốc lá là 31.000 tỷ đồng/năm. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 nhóm bệnh, trong đó đứng đầu là các bệnh về ung thư, tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính... Tỷ lệ bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật tại nước ta. Tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm ở 5 nhóm bệnh thường gặp liên quan đến thuốc lá (gồm: ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và phổi tắc nghẽn mãn tính) là hơn 23.000 tỷ đồng/năm. Theo thống kê tại Bệnh viện K, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%.
Nhận thức rõ tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người và xã hội, thời gian qua, cán bộ, công chức, viên chức, lao động (CBCCVCLĐ) ngành Y tế tỉnh Thái Nguyên luôn chú trọng thực hiện việc đẩy lùi tác hại của thuốc lá trong CBCCVCLĐ và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc. 
Cuộc chiến đẩy lùi tác hại thuốc lá được xác định bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng hiệu quả thông tin, tuyên truyền, vận động chính đội ngũ cán bộ y tế không sử dụng thuốc lá, tích cực tham gia phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá trong mỗi cơ quan, đơn vị. Cơ quan Thường trực PCTH thuốc lá tỉnh (Sở Y tế) đã biên soạn, phát hành trên 100 nghìn tài liệu, tuyên truyền trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn, tổ chức cuộc thi tìm hiểu, hình ảnh minh họa, truyền thông nội bộ để tuyên truyền đến cán bộ y tế, bệnh nhân và gia đình người bệnh. Nội dung tuyên truyền tập trung vào chính sách pháp luật về PCTH của thuốc lá, tác hại của thuốc lá với sức khỏe của người sử dụng và những người khác chịu ảnh hưởng của khói thuốc lá; tác hại của việc sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng thuốc lá nhập lậu; các biện pháp cai nghiện thuốc lá, lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá và môi trường sống không có khói thuốc, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức cá nhân trong PCTH của thuốc lá.
Các hình thức và nội dung tuyên truyền được gắn với phong trào xây dựng cơ quan văn hóa, xây dựng Quy tắc ứng xử nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là phong trào thi đua Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh... Ngoài ra, mở nhiều chuyên trang, chuyên mục trên Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Bản tin ngành Y tế nhằm chuyển tải tin, bài tuyên truyền rộng rãi về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung Luật PCTH của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật tới đông đảo quần chúng nhân dân.
Cùng với tác động vào nhận thức của CBCCVCLĐ, vai trò trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong PCTH thuốc lá cũng được phát huy cao. Theo đó, 100% các đơn vị đưa nội dung PCTH của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào nội quy, quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị. Song song với đó là kiểm tra, đôn đốc, động viên CBCCVCLĐ cũng như bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thực hiện nghiêm Luật PCTH thuốc lá, coi đây là một trong những tiêu chí bình xét, phân loại thi đua cuối năm.
Với những nỗ lực như trên, cuộc chiến PCTH thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại các cơ quan đơn vị ngành Y tế Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực: 100% bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn có quy định về việc thực thi xây dựng mô hình môi trường không khói thuốc lá trong khuôn viên đơn vị, trong đó 70% đơn vị xây dựng thành công mô hình Bệnh viện không khói thuốc; tất cả các bệnh viện, cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế treo biển cấm hút thuốc lá tại hành lang, phòng làm việc, buồng bệnh, trong hội trường hoặc tại những nơi dễ thấy, dễ nhìn. Qua đó đã vận động được gần 300 cán bộ y tế bỏ thuốc lá. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PCTH của thuốc lá trong ngành Y tế nói riêng và tỉnh nói chung hiện vẫn còn những khó khăn: nguồn lực tài chính, con người đầu tư cho công tác thông tin, tuyên truyền PCTH của thuốc lá còn hạn chế. Môi trường bệnh viện là nơi cung cấp dịch vụ, lưu lượng người ra vào đông và liên tục trong khi đội ngũ cán bộ y tế còn mỏng, gây khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát, nhắc nhở người nhà bệnh nhân hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện. Bên cạnh đó, việc hút thuốc lá nơi công cộng dù đã có chế tài xử phạt nhưng việc thực thi hầu như chưa có nên chưa răn đe, khắc phục được tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hiệu quả của công tác truyền thông PCTH thuốc lá trong ngành y tế nói riêng và toàn tỉnh nói chung, cần duy trì và tiếp tục cảnh báo những ảnh hưởng xấu của thuốc lá đến sức khỏe của nhân dân và lợi ích của việc xây dựng môi trường không khói thuốc trên các phương tiện nhằm nâng cao ý thức của CBCCVCLĐ và của cả cộng đồng. Để làm được điều đó, cần sự vào cuộc của các ban ngành chức năng trong vấn đề xây dựng mô hình điểm về PCTH thuốc lá, cam kết thực hiện nghiêm túc mô hình môi trường không khói thuốc tại các cơ quan, đơn vị, tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của Luật PCTH thuốc lá./.

Trang Nhung
(Đảng bộ bộ phận Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên)