Đăng vào Thứ tư, ngày 05/07/2017
Hỏi đáp chính sách BHXH, BHYT, BHTN tháng 06/2017
Hỏi: Tôi sinh năm 1957, đã có 15 năm đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Đến tháng 5/2017 tôi đủ 60 tuổi. Vậy tôi muốn biết điều kiện về đóng tiếp BHXH tự nguyện như thế nào? Tôi muốn đóng cho đủ 30 năm để hưởng chế độ hưu trí với tỷ lệ cao hơn có được không?
Trả lời:
Điểm a, Khoản 1, Điều 54 Luật BHXH quy định về điều kiện hưởng lương hưu:
NLĐ theo quy định khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu khi: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi (trừ trường hợp lao động nặng nhọc, độc hại hoặc suy giảm khả năng lao động).
Khoản 4, Điều 2 Luật BHXH quy định: Người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Điểm e, Khoản 1, Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn một số điều về BHXH tự nguyện quy định: Người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Như vậy, ông được lựa chọn đóng BHXH tự nguyện một lần tính từ thời điểm không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với thời gian không quá 10 năm để đủ điều kiện có tổng số 20 năm đóng BHXH tính hưởng chế độ hưu trí. Hiện không có quy định đối với trường hợp đóng 1 lần vượt quá 10 năm như nguyện vọng của ông.
 
Hỏi: Trường hợp Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, BHXH có được miễn nộp án phí không?
Trả lời:  
Theo Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án, có 5 trường hợp được miễn nộp án phí, tạm ứng án phí. Cụ thể:
Thứ nhất, người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, BHXH, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
Thứ hai, người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;
Thứ ba, người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
Thứ tư, người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
Thứ năm, trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ (Những trường hợp này còn được miễn các khoản tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án).
Trường hợp các đương sự thỏa thuận một bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp mà bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí thì Tòa án chỉ xem xét miễn án phí đối với phần mà người thuộc trường hợp được miễn phải chịu theo quy định, của Nghị quyết này. Phần án phí, lệ phí Tòa án mà người đó nhận nộp thay người khác thì không được miễn nộp.
 
Hỏi: Người thân của tôi (là nam giới) 59 tuổi, đã đóng BHXH bắt buộc được 25 năm, nay đã nghỉ việc, chốt sổ BHXH. Vậy đến cuối năm 2018, tỷ lệ hưởng lương hưu, bình quân tiền đóng BHXH của người thân tôi được tính thế nào?
Trả lời:
Về tỷ lệ hưởng lương hưu, theo quy định tại Khoản 2, Điều 56 Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của NLĐ đủ điều kiện quy định được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với số năm đóng BHXH như sau: Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm; Sau đó cứ thêm mỗi năm, NLĐ được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Về cách tính bình quân để hưởng lương hưu:
Theo Điều 9 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc: Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần quy định tại Điều 62 của Luật BHXH được quy định như sau:
1. NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu như sau:
a) Bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
b) Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
c) Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2001 đến ngày 31/12/2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
d) Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
đ) Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
e) Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
g) Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025 trởđi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.
2. NLĐ có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.
3. NLĐ vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH theo quy định tại Khoản, 1 Điều này căn cứ vào thời điểm bắt đầu tham gia BHXH bắt buộc. Trường hợp chưa đủ số năm quy định tại Khoản 1 Điều này thì tính bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH.
(Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên)