Đăng vào Thứ tư, ngày 17/01/2024
Chi bộ Cơ quan Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề quý I năm 2024
Thực hiện chương trình công tác của Chi bộ Cơ quan Đảng ủy Khối và kế hoạch tổ chức sinh hoạt chuyên đề năm 2024, ngày 12/01/2024, Ban Chấp hành Chi bộ Cơ quan Đảng ủy Khối đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề: Về nguồn, thăm Di tích lịch sử Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại xóm Làng Luông, xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Dự hoạt động có các đồng chí: Hoàng Anh Trung, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Thủ trưởng cơ quan; Ngô Văn Lâm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối, Bí thư Chi bộ cơ quan; Mai Thị Nhài, Phó Bí thư Đảng ủy Khối, Chủ tịch Công đoàn cơ quan; các đồng chí cán bộ, đảng viên Cơ quan Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.

Tập thể cán bộ, đảng viên Chi bộ Cơ quan Đảng ủy Khối dâng hương tại Bia Di tích Lịch sử Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc

Tại đây, đoàn đã dâng hương tại Bia Di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, và nghe giới thiệu về lịch sử những ngày đầu thành lập Trường: Đầu năm 1949, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã khai giảng khóa học đầu tiên và trở thành Trường huấn luyện cán bộ thường xuyên của Trung ương Đảng, đánh dấu bước phát triển mới mang tính bước ngoặt trong công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ của Đảng. Tổng Bí thư Trường Chinh lãnh đạo công tác tuyên huấn, đồng thời phụ trách Trường Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí Lê Văn Lương, ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng là Giám đốc đầu tiên của trường. Được biết, lúc đầu do nhà làm việc và nhà ở còn đang xây dựng nên cả cán bộ quản lý, giảng dạy và cả học viên vừa ở nhờ nhà dân ở xóm Làng Luông, đồng thời xây dựng nhà lán bằng cột gỗ, lợp cọ, vách liếp từ nhà hiệu bộ, các bộ phận hành chính, văn thư, giáo vụ, quản lý học viên, bếp ăn, hội trường lớp học. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, phương tiện dạy và học, thầy trò Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đã khắc phục khó khăn, tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân, của Đảng ủy, chính quyền địa phương vừa làm, vừa học, vừa xây dựng nhà hiệu bộ, lớp học, nhà lán nghỉ cho học viên, bếp ăn, sân tập luyện... Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tháng 8/1950, Trường chuyển lên xây dựng tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang và nhiều địa điểm khác trước khi chuyển về Hà Nội. Trong thời gian đặt địa điểm tại Làng Luông (từ đầu năm 1949 đến tháng 8/1950), Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đã có đóng góp to lớn vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt của Đảng. Với ý nghĩa lịch sử đặc biệt đó, Di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại Làng Luông đã được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2012.

Địa điểm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc là di tích lịch sử quý giá, có tầm quan trọng không chỉ với Thái Nguyên mà còn với cả nước, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân; để các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện đi về và thực hiện lời dạy của Bác về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cách mạng.  

Tập thể cán bộ, đảng viên Chi bộ Cơ quan Đảng ủy Khối chụp ảnh lưu niệm tại Di tích Lịch sử Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc

Trong giờ phút thiêng liêng được thăm và ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của Trường, cán bộ, đảng viên Chi bộ cơ quan Đảng ủy Khối bày tỏ lòng thành kính và ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nguyện học tập nâng cao trình độ năng lực công tác, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh; phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được gia,o góp phần xây dựng Chi bộ cơ quan Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh vững mạnh./.

Ngọc Thơ - Văn phòng Đảng ủy Khối